Những phương pháp điều trị suy thận hiện nay
Suy thận nếu phát hiện muộn và áp dụng không đúng phương pháp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, nên áp dụng biện pháp điều trị suy thận phù hợp, tránh dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau đây nhé!

Điều trị suy thận giai đoạn đầu
Điều trị suy thận giai đoạn đầu (độ 1, 2) bằng cách kiểm soát triệu chứng giúp giảm tổn thương thận. Cụ thể như sau:
Giảm phù
Chức năng thận suy giảm, không bài tiết được chất thải, chất lỏng dư thừa ra ngoài sẽ gây tích tụ, dẫn đến phù. Vì vậy, chuyên gia có thể kê đơn thuốc giảm phù, lợi tiểu để cải thiện. Người bệnh cũng nên hạn chế sử dụng quá nhiều muối, kiểm soát lượng nước uống vào mỗi ngày.
Điều trị huyết áp cao
Huyết áp cao là tình trạng khá phổ biến ở người bệnh suy thận. Thận mất chức năng lọc làm lượng dịch tích tụ, không thể thải ra ngoài và tăng lên trong máu, khiến huyết áp cao. Vì vậy, khi điều trị suy thận hầu hết người bệnh được kê kèm thêm thuốc huyết áp. Một số nhóm thuốc thường sử dụng như nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin không chỉ giúp ổn định huyết áp mà còn tăng cường chức năng cho thận.
Giảm thiếu máu
Người suy thận thường dễ bị thiếu máu do không sản xuất đủ erythropoietin. Vì số lượng tế bào hồng cầu ít hơn bình thường nên sẽ khiến người bệnh bị mệt mỏi, khó thở. Vì vậy, người bệnh suy thận nên bổ sung sắt (nguyên liệu cho việc tạo máu) dưới dạng viên uống/tiêm nếu cơ thể thiếu hụt.
Tránh tăng kali máu
Người bệnh suy thận thường dễ bị dư thừa kali, dẫn đến rối loạn nhịp tim và có thể gây nên các vấn đề về thần kinh. Vì vậy, người suy thận nên hạn chế kali trong bữa ăn, kiểm soát kali đưa vào cơ thể.
Điều trị suy thận giai đoạn muộn
Phương pháp điều trị suy thận giai đoạn muộn hơn (từ độ 3 trở đi) thường là lọc màng bụng, chạy thận hoặc ghép thận.
Lọc màng bụng
Khi thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi máu thì phương pháp lọc màng bụng sẽ thay thế để thực hiện chức năng này. Chất lỏng để lọc sẽ được đưa qua ống thông vào bụng để loại bỏ chất thải ra khỏi máu.
Lọc màng bụng có thể được thực hiện tại nhà. Người bệnh chỉ cần đến viện lấy dịch lọc mỗi tháng 1 lần. Tuy nhiên, phương pháp này không phải là lựa chọn cho tất cả mọi người bị suy thận.
Chạy thận
Chạy thận nhân tạo là phương pháp sử dụng máy chạy thận thay thế chức năng thận giúp loại bỏ chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi máu. Để làm sạch máu, người bệnh sẽ được tạo đường thông động – tĩnh mạch, sau đó nối với ống nhỏ đến máy chạy thận.
Tần suất và thời gian chạy thận nhân tạo của người suy thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chức năng thận hoạt động như thế nào, lượng chất thải trong cơ thể, tuổi tác, sức khỏe,… Thông thường, mỗi lần chạy thận nhân tạo kéo dài khoảng 4 giờ và số lần thực hiện tùy giai đoạn bệnh.
Ghép thận
Suy thận giai đoạn cuối thận gần như mất chức năng hoàn toàn nên phải điều trị bằng cách thay thận mới từ người hiến tặng có thận tương thích. Ghép thận là phương pháp nếu áp dụng thành công thì hiệu quả tương đối tốt.
Ghép thận cũng có những rủi ro nhất định như sau khi cấy ghép người bệnh có thể bị thải ghép, vì vậy, cần dùng thuốc để tránh nguy cơ này.
Nguồn tin : Báo Sức khỏe và Đời sống
.